Ngày 19/07/2019 tại khách sạn Mường Thanh – Thành phố Cà Mau, Diễn đàn Môi trường Mekong chủ trì tổ chức Chương trình tọa đàm “Công nghệ cho mô hình tôm-lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Chương trình có sự tham dự của đại diện sở Nông nghiệp, sở Tài nguyên và Môi trường, Phân viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, doanh nghiệp thủy sản, đại diện cộng đồng và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngoài ra còn có đại diện các đối tác đến từ Hàn Quốc, gồm Viện Công nghệ Điện tử Hàn Quốc, Công ty NEOENBIZ và Công ty CompanyWE cùng đại diện báo đài ở địa phương tham dự.
Phát biểu khai mạc chương trình làm việc, Ông Nguyễn Minh Quang, giảng viên nghiên cứu An ninh môi trường tại Đại học Cần Thơ, cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi môi trường. Việc thúc đẩy công nghiệp hóa và chuyển dịch sang mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh những năm qua chưa cho thấy tính khả thi trong thích ứng hoàn cảnh môi trường mới. Ở nhiều nơi, các khu công nghiệp và vùng nuôi tôm thâm canh đang tạo ra nhiều hệ lụy ô nhiễm đáng lo ngại, gây xung đột sinh thái và lợi ích kinh tế ở địa phương. Vì vậy, giải pháp công nghệ có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế nhưng không tạo ra nguồn thải ô nhiễm là một lựa chọn bắt buộc để đảm bảo ĐBSCL được phát triển bền vững, hài hòa.
Tại buổi tọa đàm, đại diện ban ngành địa phương lần lượt nêu ra các thách thức mà tỉnh Cà Mau đang đối mặt từ biến đổi môi trường. Các vấn đề khó khăn trong tìm kiếm giải pháp ứng phó của tỉnh cũng được chia sẻ thẳng thắn.
Đáp lại, các chuyên gia đại diện các viện nghiên cứu và công ty công nghệ nông nghiệp Hàn Quốc đã lần lượt trình bày các giải pháp công nghệ tiên tiến áp dụng thành công ở Hàn Quốc. Trong đó, công nghệ biofloc được giới thiệu để khởi động cho Dự án ODA trị giá 20 triệu USD mà Hàn Quốc mong muốn triển khai ở Cà Mau.
Theo TS. Kyu Tae Lee, biofloc là mô hình nuôi trồng thủy hải sản hữu cơ khép kín, không phát thải, không sử dụng hóa chất và thức ăn công nghiệp trong quá trình sản xuất. Điểm nhấn của công nghệ này chính là ứng dụng smartphone trong quá trình quản lý, giám sát chất lượng và sử dụng năng lượng Mặt trời. Nhờ đó, vừa giúp tạo ra sản phẩm sạch, giảm chi phí lao động và tăng khả năng xuất khẩu toàn cầu.
Ông Jae Woo Wie, Giám đốc CompanyWE cho biết: dự án này dựa trên sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ vốn và chuyển giao công nghệ cho người nuôi tôm, sau đó tôm có thể xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với giá cao.
Chương trình tọa đàm đã mở ra một hướng đi mới và đầy tiềm năng cho người dân, doanh nghiệp nuôi tôm ở Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung. Các đại biểu tham dự tọa đàm đã thể hiện sự quan tâm lớn đến công nghệ và dự án ODA với mong muốn sớm được triển khai và chuyển giao về địa phương.
Sau buổi tọa đàm, đoàn chuyên gia Hàn Quốc được tham quan thực địa một số địa bàn tiềm năng phục vụ đánh giá khả thi cho việc triển khai thí điểm của dự án trong năm 2021.
Việc kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với cộng đồng và chính quyền địa phương là một phần trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững của Diễn đàn Môi trường Mekong.